Thời đại phong kiến, "tự do" đối với nhiều người
mà nói là điều vô cùng xa xỉ. Phận nữ nhi, dù ở tầng lớp nào, từ này cũng dường
như chưa bao giờ tồn tại trong tâm trí. Ai sẽ nói về những người phụ nữ ấy sau
ngàn năm tan biến? Những cuộc đời không tên, những số phận oan uổng?
Mẹ Cám - dù phải mang tiếng ác muôn đời, cũng sẽ không để
con mình mất đi tự do, điều mà bà khát khao suốt thanh xuân mà chẳng bao giờ có
được.
Với những gì đã trải qua trong cuộc hành trình sinh tồn thấm
đẫm những mất mát của mình, bà luôn hy vọng, nếu cuộc đời bà, đã không thể, thì
cuộc đời Cám sẽ khác. Nàng sẽ được tự do. Có thể không phải tự do làm mọi điều
nàng thích như đấng mày râu lẽ thường. Nhưng ít nhất, nàng có quyền lựa chọn. Lựa
chọn hạnh phúc của chính mình.
Thế nên, khi Cám thay Tấm vào cung, bà đau xót lắm. Người ta
vẫn thường hay nói, đời người con gái là bản sao của cuộc đời mẹ mình. Nếu như
vậy, chẳng phải Cám cũng sẽ phải mang trái tim bi thương suốt cuộc đời, giống
như bà sao?
Phụ nữ thời đại này làm gì có tình yêu? Cần gì có tình yêu?
Chẳng phải bà đã suýt chết vì trót yêu.
Và đã sống hết nửa đời người chỉ vì không cần yêu đó sao?
Nhưng những thiếu nữ sẽ luôn mơ mộng. Giống như bà thời trẻ.
Kẻ mộng mơ, dễ lắm, bị dối lừa.
Ôi cái thời gian tàn khốc lấy đi tuổi xuân, lấy đi hy vọng.
Những người đàn bà, không chỉ ở trong cung, mà lẽ thường, của
cuộc sống bình dân thường nhật, cũng phải toan tính tủn mủn để có chỗ đứng vững
chắc trong gia đình.
Thế nên, nghe tin chồng qua đời, mẹ Cám chợt không biết nên
buồn hay nên vui. Nên mừng hay nên tủi?
Người đàn ông duy nhất bà có thể dựa vào bao năm nay đã
không còn nữa. Nhưng cũng chính ông ta, ông chủ của bà, đã qua đời rồi. Giờ lẽ
nào đi hết 2/3 cuộc đời, bà đã được tự do?
Nhiều lần trong cuộc đời truân chuyên của mình, mẹ Cám không
được quyền quyết định. Bà chất chứa quá nhiều ấm ức trong lòng cùng nỗi thù hận
chẳng nguôi ngoai.
Cũng là phận nữ nhi, cũng từng tưởng mình được yêu thương,
trân trọng. Hoá ra tình yêu tuổi trẻ chỉ là áng sương mờ mịt viển vông của sự
phản bội. Điều duy nhất khiến bà còn sống là nhờ thiếu phu nhân đã khuất, và
khát khao sống mãnh liệt của đứa con trong bụng.
Khi thiếu phu nhân không còn nữa, bà sống vì một cái ơn chưa
được trả, và cũng vì đứa con gái nhỏ của mình.
Cám lớn lên, xinh xắn, thông minh và đôn hậu. Bà chưa bao giờ
muốn bóng đen của đời mình phủ lên con. Nhưng xét cho cùng, bà cũng chỉ là một
người phụ nữ bình thường, có những sai lầm rất đáng thương ... rất đàn bà như
thế.
Sau khi cha Tấm qua đời, mẹ Cám đã không còn lý do gì để nhẫn
nhịn với con chồng. Bà ghét bỏ Tấm ra mặt. Bao nhiêu nhớ thương con, bao nhiêu
tủi hờn thời son trẻ, bà nhìn vào Tấm mà trút giận... Hay đúng hơn, bà nhìn vào
Tấm mà ghen tị.
Nhưng rồi bà lại nghĩ, xét cho cùng, Tấm cũng chỉ là một đứa
trẻ. Một đứa trẻ giờ đây đang mồ côi cả cha lẫn mẹ.... Xét cho cùng, cũng chỉ
là một đứa trẻ đáng thương.
Mẹ Cám trở thành người cai quản phủ gia, mọi quyết định
trong phủ đều do một tay bà sắp xếp. Bà mâu thuẫn với chính mình trong cách phải
cư xử với Tấm ra sao? Lúc thì muốn nặng, mà có khi thương lại nhẹ vì không nỡ.
Ban đầu, bà cho nghỉ hơn phân nửa người làm trong phủ. Bà gọi
Tấm đến và nói:
- Tấm à, nay cha con đã mất. Chị Cám phải thay con vào cung
tiến vua. Nhà ta đã chẳng còn được như xưa. Con không thể cứ sống rong chơi như
thế này mãi được. Bổng lộc vua ban cho cha con cũng không có nhiều nhặn gì. Mẹ
nghĩ nhà ta nên giảm bớt người làm. Con cũng nên đỡ đần ta đôi phần chứ?
Những ngày sau đó, lần đầu tiên trong cuộc đời Tấm biết đến
công việc chân tay. Cô bỡ ngỡ, buồn tủi... nhưng phần nhiều cũng hiểu vì sao phải
vậy. Ở chốn kinh thành xa hoa này, nhà cô đã không còn điểm tựa. Hai người đàn
bà trong một cái nhà, thân cô thế cô, đến kẻ khờ cũng dễ dàng nhận ra điều ấy.
Con gái đến 18 tuổi, sắp phải gả chồng. Nhưng nay hôn ước với
nhà Tể Tướng khó bề thực hiện, bởi cha đã mất. Gia đình quan lại vốn kết hôn
chính trị, dựa vào mối quan hệ hôn nhân để sinh tồn trong chốn quan trường. Vậy
nên, khi cha cô không còn nữa, mẹ Cám lại chỉ là mẹ kế, họ nói gì cũng khó. Mà
có nói cũng chẳng có ai nghe.
Mẹ Cám bắt đầu cải tạo khu nhà sau của phủ thành nhà trọ cho
sĩ tử lên kinh thành vào mùa thi năm ấy. Ban đầu, Tấm có ý hỏi mẹ sao lại làm vậy?
Vì dù sao nhà cô cũng là gia đình nhà quan, bao năm xây dựng thanh danh... Nay
cho thuê trọ, khác nào phường con buôn? Nhưng rồi Tấm lại chỉ lặng im không
nói.
Cám không ở nhà, cuộc sống đã có quá nhiều biến đổi. Đủ để một
cô gái ngây thơ tới đâu, sau ngần ấy mất mát, mà chẳng có lấy một người bao bọc,
cũng bắt buộc phải trưởng thành.
Người ra vào trong phủ ngày một nhiều. Nhà không còn là nơi
yên tĩnh mà bỗng dưng biết bao người lạ. Đám sĩ tử lên kinh thi không phải ai
có học cũng là người tốt. Cũng có kẻ lả lướt, cũng có kẻ hạ lưu.
May mắn thay, mẹ Cám là người đàn bà rắn rỏi. Nên chẳng ai
dám làm loạn chốn này.
Nhưng cũng vì thế, tin đồn râm ran khắp nơi, rằng trong phủ
của Lễ bộ thượng thư, có người đàn bà độc ác. Ngay sau khi đại lão gia qua đời,
bà vợ hai này lập tức bắt con gái làm việc như trâu ngựa, đuổi hết người làm để
tiện bề ra tay hành hạ, sai khiến.
Tấm nghe thiên hạ đồn đại về mẹ Cám mà thấy buồn lòng. Sau
khi cha qua đời, mặc dù rất nghiêm khắc với cô, nhưng mẹ Cám đã làm tất cả để
chèo chống ngôi nhà này. Vậy mà cô càng thanh minh, thiên hạ càng thêu dệt. Oan
ức này, ngàn năm không tẩy sạch.
Vẫn một câu nói cũ... miệng đời mãi là miệng đời.
Người ta tin những gì người ta muốn tin.
Họ nhìn thấy những gì họ muốn thấy.
Đôi khi, sự thật phải khoác thêm dăm bảy lớp áo để hoà hợp với
dối trá và tin đồn.
..........
Tình hình chính sự ngày một căng thẳng. Việc nước láng giềng
giết sứ giả hoà hữu của nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình ngoại
giao giữa hai nước. Im lặng là sợ hãi. Mà mạnh mẽ phản công lại là gây chiến.
Nước láng giếng cử sứ giả sang đưa thư, khẳng định, người của
họ không hề ra tay sát hại đoàn sứ giả mang cống phẩm sang Nước To ơi Là To của
xứ Đẹp ơi là Đẹp ta.
Nhận được tin tức từ sứ giả nước bạn, triều thần ai nấy đều
hoang mang. Ai là kẻ đã rắp tâm hành sát cả đoàn đi sứ, gây bất hoà giữa các nước?
Có một số đại thần phán đoán chỉ đơn giản là bọn lâm tặc.
Lâm tặc ở vùng biên giới rất nhiều, chúng manh động và tàn ác.
Phải cho quân đội của nhà tới giết sạch lũ lâm tặc hại nước
hại dân.
Một số khác lại cho rằng, lâm tặc trước nay chưa từng dám cướp
cống phẩm của triều đình. Chúng hoạt động đơn lẻ thành nhiều nhóm, vốn dĩ manh
mún, không thể đủ lực để tấn công cả đoàn sứ bộ.
Các đại thần, quan lại chia làm nhiều phe, với nhiều giả
thuyết khác nhau khiến chính nhà vua lẫn thái tử đều phải đau đầu suy xét.
.......
Mấy đêm liên tiếp, Cám ra gốc cây xoan đào bên hồ chờ Thái Tử,
nhưng chàng không đến. Những đêm ấy trăng không lên, chỉ thấy ánh sao lấp lánh.
Nàng vẫn đợi tới sáng...Ngày qua ngày, sự đợi chờ càng thêm vô vọng...
Thực ra thì hàng ngày, nàng vẫn gặp thái tử vào buổi sáng,
chỉ là với một thân phận và hình dáng khác khi nàng dâng trà cho chàng. Một vai
diễn sâu, không biết phải ngừng ở đâu.
Mỗi sáng, nàng đều quan sát Thái Tử. Chàng hôm qua ngủ có
ngon không? Có gì muộn phiền không? Ánh mắt chàng có tâm sự gì?
Vài ngày trôi qua, không gặp thái tử nơi họ thường hò hẹn.
Nhiều lần khi dâng trà, nàng chỉ muốn buột miệng hỏi: Vì sao?
Chàng vẫn khoẻ mạnh, vẫn ngồi đây đều đặn mỗi ngày... Chỉ là
buổi đêm, không còn tới bên nàng nữa.
Nhưng rồi, nàng lại nuốt những tâm sự, thắc mắc âý vào
trong.
Cám ơi là Cám, nàng chỉ là một cung nữ tầm thường. Thái Tử
có thể nhớ, có thể quên, có thể đến, có thể đi. Còn nàng, không có quyền thắc mắc.
Chưa nói đến việc thân phận hai người xa nhau vạn trượng.
Thì riêng việc nàng chưa nói cho Thái Tử biết câu chuyện thật của mình, cũng đã
đủ để nàng tự thấy mình không xứng đáng được nghe một lời giải thích khi chàng
không đến.
Bỗng tiếng Thái Tử vang lên đầy vẻ khó chịu:
- TA NÓI NGƯƠI LUI! Sao còn đứng đấy!
Cám giật mình, dáng người cong cong, gập người cúi rạp rồi
lùi lại đằng sau...vội vã rời tầm mắt Thái Tử rồi biến mất.
..........
Mẹ Cám đút lót một viên tiểu thái giám vài lạng bạc, để hắn
ta chuyển cho Cám một bức thư. Đã mấy tháng rồi mới biết tin tức trong nhà. Cám
ngồi bên gốc xoan đào vừa đọc thư mẹ, nước mắt vừa rơi lã chã.
Nàng nhớ nhà.
Nàng nhớ mẹ.
Nàng nhớ cô em gái nhỏ.
Thương em...
Thương mẹ..
Muốn về... Nàng bỗng nhớ tới lời mẹ nói hôm nào vào cung:
"Nhất định mẹ sẽ tìm cách đưa con ra khỏi cung. Mẹ chỉ mong con, có một cuộc
đời tự do." Rồi nàng tự hỏi: Tự do ư? Tự do có đắt không? Cái giá của nó
là bao nhiêu? Đôi khi tự do chính là đánh đổi. Đánh đổi tình yêu. Đánh đổi mạng
sống.
Câu nói của mẹ bất giác khiến nàng nghĩ về Thái Tử. Giờ đây,
nàng đang muốn ở hay muốn đi? Còn muốn có tự do nữa hay không? Hay vì tình si
mà sẵn sàng bị giam cầm mãi mãi. Nàng nhớ mẹ đó, nàng muốn về lắm, nhưng nếu có
thể làm được, nàng có nỡ rời xa chàng không?
Nếu nàng nói cho Thái Tử biết câu chuyện của nàng... Thái Tử
sẽ nghĩ gì? Chàng sẽ làm gì?
Mà liệu, chàng có còn tới gặp nàng nữa hay không? Nàng có cơ
hội thành thật với chàng nữa hay không?
Cám chưa bao giờ yêu. Nàng cũng không biết yêu như thế nào mới
đúng.
Nhưng có một điều nàng biết, yêu là không lừa dối.
Nàng phải nói với Thái Tử sự thật.
Phải nói.
Dù cái giá có đắt.
Nàng sẽ cầu xin chàng nếu chàng tức giận.
Cầu xin chàng, tha cho gia đình nàng, tội này, chỉ mình
nàng, chỉ do nàng mà thôi.
Càng nghĩ, Cám lại càng bị chính suy nghĩ rối ren của chính
mình nuốt trôi.
Nước mắt vì thế mà vô thức tuôn rơi nức nở...
Tiếng Thái Tử trầm ấm vang lên dịu dàng phá tan màn đêm
yên tĩnh:
- Vì sao nàng khóc?
Cám vội vã giấu bức thư vào trong tay áo, cúi đầu chào Thái
Tử. Chàng kéo lấy tay nàng, giật mạnh vào lòng, rồi nhẹ nhàng lấy vạt áo gấm
lau những giọt nước còn vương trên khoé mắt nàng.
- Ta thực sự rất nhớ nàng.
( còn nữa... )
No comments:
Post a Comment